Đi chợ đồ cũ

    Một trong những sở thích và cũng là thú vui của anh chị em sinh sống tại Okayama là đi chợ đồ cũ (Baza hay flea market).  Gần như 70% vật dụng trong phòng trọ các bạn du học sinh là hàng second hand, nhưng hầu hết còn mới và được giữ gìn bảo quản cẩn thận. Cuộc sống ở Nhật tuy đắt đỏ nhưng lại có sự dễ thở khá đáng yêu đó là sự tồn tại của các chợ đồ cũ.

Tại thành phố Okayama, chợ trời thường được tổ chức tại Dome vào thứ 7 hàng tháng. 

Đường đến Dome: Vị trí trên google map. 

Thời gian tổ chức trong năm 2015:  25/4, 16/5, 27/6, 11/7, 29/8, 23/9, 24/10, 28/11, 26/12.

    

Thành viên VYSA Okayama mua sắm tại Chợ đồ cũ

    Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy nhiều sản phẩm đã sử dụng ở Nhật, từ điện máy tới quần áo thời trang có thương hiệu…được bán với giá rẻ đôi khi chỉ bằng 1/10 giá trị thực của chúng, trong khi nhìn chúng gần như mới hoặc đời sản xuất mới từ năm trước năm kia mà thôi. Điều này dường như là rất khác biệt với Việt Nam.   

    Hàng hóa ở Nhật Bản có xu hướng là hàng cao cấp và chất lượng cao, và thường có giá cao hơn các mặt hàng tương tự ở những nơi khác trên thế giới. Trong văn hóa sử dụng đồ vật hàng ngày, nhờ sự tỉ mỉ, thận trọng và chỉn chu mà người Nhật có xu hướng giữ gìn và chăm sóc tốt các tài sản của họ, nên khi chúng được đem bán lại, phần nhiều chúng vấn còn khá mới. Tuy nhiên với người Nhật, quan điểm đồ đã sử dụng luôn là đồ cũ và chỉ được phép bán với mức giá thấp.Vì thế người nước ngoài thường gợi ý nhau, nếu muốn mua đồ ở Nhật, hãy tìm xem anh có thể mua được món đồ đó đã qua sử dụng hay không.

Quầy bán nông sản với giá hạt zẻ ^^

    Bạn có thể thắc mắc tại sao giá hàng cũ ở Nhật lại rẻ như vậy. Điều đầu tiên đó là hệ quả của một xã hội sản xuất mà hàng hóa luôn thừa mứa. Người Nhật có thể là một dân tộc tiết kiệm, tuy nhiên trong tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng hàng nội địa thì họ có xu hướng rất hào phóng và luôn thích cập nhật những cái mới. Ngày hôm nay một sản phẩm mới này ra đời thì ngày mai sẽ có ngay những sản phẩm khác cạnh tranh với những đặc tính ưu việt hơn. Mà sự cải tiến ko chỉ nằm trong công nghệ sản xuất, bao bì mà còn nằm ở giá cả, sản phẩm luôn có xu hướng giảm giá để cạnh tranh. Một sản phẩm hôm nay là hot thì chỉ một tháng sau nó đã được sale liên tục để nhường chỗ cho các sản phẩm khác. Chính vì hàng hóa mới còn nhanh chóng trở nên lỗi thời nên hàng hóa cũ chỉ càng bị mất giá hơn. 
    Một lý do khác để lý giải tại sao hàng used lại được bán rẻ như vậy đó là việc bạn phải mất một chi phí kha khá để “bỏ rác” những đồ điện tử và gia dụng không dùng nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Ở Nhật có câu, “ba lần chuyển nhà bằng một lần cháy nhà”, phí vận chuyển đồ đạc ở Nhật rất cao, nên nếu phải chuyển nhà người ta thường thà bán quách đồ đạc cũ và mua mới còn tiết kiệm hơn là thuê dịch vụ vận chuyển tới bốc chúng đi. Việc phải trả tiền bỏ rác cũng là lý do mà ở Nhật hay có các sayonara market nơi người nước ngoài khi về nước tặng hoặc bán lại vật dùng của mình cho người khác để không phải chịu khoản phí bỏ rác.
    Điểm sung sướng nhất của việc mua đồ ở chợ trời là việc đồ đạc được giữ rất sạch sẽ và mới do người chủ cũ tỉ mẩn và kỹ lưỡng khi sử dụng. Sự tôn trọng của người sử dụng đối với đồ đạc của mình sẽ khiến các bạn thực sự ngạc nhiên. Ở khắp các gian hàng, người bán hàng luôn bày biện hàng hóa một cách gọn gàng, ngăn nắp, quần áo xếp lại chỉn chu đẹp mắt cho dù chúng chỉ là những món đồ cũ (chứ ko hề có chuyện chất đống lộn xộn bạc đãi chúng đâu). Đôi khi các bạn sẽ gặp những gia đình đi bán hàng mà vui như mở hội. Họ bán mà như đi giao lưu và cảm thấy vui vì đồ đạc của mình có được chủ mới. 

(VYSA Okayama)