Làm gì sau khi tốt nghiệp trường tiếng?

2015-07-10 17:04

Sau 1 đến 2 năm học ở trường tiếng, bạn sẽ có những lựa chọn sau để tiếp tục ở lại Nhật Bản: học lên tiếp (trường nghề senmon, trường đại học ngắn hạn, dài hạn, cao học...) hoặc đi làm (đối với những bạn đã có bằng đại học ở Việt Nam). Sau đây mình sẽ giới thiệu một số con đường tùy theo mục địch của bạn và việc chuẩn bị cho con đường đó.

 ① Bạn tốt nghiệp THPT ở Việt Nam, và bạn vẫn chưa tự tin và khả năng tiếng Nhật Bản của mình, và muốn học tiếp để ôn thi lên một đại học tốt?

Có thể bạn muốn học thêm tiếng Nhật Bản 1 thời gian nữa, nhưng theo luật quy định,1 du học sinh chỉ được học trường tiếng 1-2 năm, nên bạn không thể chuyển qua 1 trường tiếng khác được. Tuy nhiên, có một số trường nghề senmon có khoa dạy tiếng Nhật Bản (Tên khoa không nhất thiết phải là khoa tiếng Nhật Bản, mà có thể là khoa quốc tế, hoặc khoa Giáo dục tiếng Nhật Bản), nếu bạn học lên đây bạn sẽ có thể xin visa dưới dạng học tiếp lên trường nghề, nhưng thực chất là thời gian để bạn có thể ôn thi tiếng Nhật Bản và các môn thi đại học. Có rất nhiều trường, bạn có thể hỏi cụ thể hơn giáo viên của mình. Mình chỉ biết 2 trường là 大阪エール学園 và  岡山OBC.

 ② Bạn tốt nghiệp THPT ở Việt Nam, đã đủ tự tin với tiếng Nhật Bản, và muốn thi vào trường đại học hoặc trường nghề nào đó? 

Để thi vào trường nghề, hoặc trường đại học, bạn phải thi kì thi dành cho du học sinh (日本留学試験)、dưới đây mình sẽ gọi là thi ryu. Có 1 số trường senmon không cần thi kì này, nhưng những trường senmon tốt thường bắt thi mấy môn trong các môn của kì thi ryu. Đại học cũng vậy, trường tư có thể không cần, nhưng trường công lập, quốc lập, hoặc trường tư nổi tiếng thì phải cần, với điểm thi càng cao càng tốt. Thi ryu gồm thi tiếng Nhật Bản (gồm 4 phần đọc hiểu,nghe hiểu,nghe đọc hiểu,tập làm văn). Tổng điểm tiếng môn tiếng Nhật Bản là 400 điểm và tập làm văn 50 điểm. Các môn tự nhiên xã hội tổng điểm 400. Tùy theo bạn học ngành gì mà môn thi sẽ khác như sau:

- Nếu học các ngành nhân văn:như kinh tế, văn, luật... thì bạn phải thi toán 1 và môn tổng hợp (総合科目)

- Nếu học ngành kĩ thuật (cơ khí, nông nghiệp, y khoa, xây dựng, vật lí, môi trường...) thì phải thi toán 2 và 2 trong 3 môn lí, hóa, sinh. Về việc chọn 2 môn trong 3 môn lí , hóa, sinh thì tùy trường, khoa; nhưng thường thì sẽ chọn lí và hóa hoặc hóa và sinh (Rất ít trường cho thi lí và sinh). Bạn nên tìm hiểu kĩ trước khi quyết định học thi môn nào.

Tổng điểm là 800. Điểm càng cao càng có lợi thế khi thi đại học. Kì thi ryu diễn ra vào tháng 6 và tháng 11 hàng năm. Sau khi thi ryu, bạn lấy kết quả này nộp cho hồ sơ thi đại học. Thường thì các trường chỉ nhận kết quả trong vòng 1 năm tính từ khi nhận hồ sơ. Khi thi đại học, tùy trường, tùy ngành mà có thể phải thi toán lí hóa lại lần nữa theo đề trường, thi tiểu luận văn, thi phỏng vấn...Thang điểm đánh giá, tùy theo trường, nhưng thường thì sẽ theo tỉ lệ %, điểm ryu, điểm thi kì thi trường, điểm TOEIC ...mỗi điểm bao nhiêu phần trăm,rồi tính tổng lại, nên điểm ryu càng cao càng có lợi thế.

Ở Nhật Bản, các trường đại học thường tổ chức thi từ tháng 1 đến tháng 3, cũng có trường thi mùa thu tầm tháng 7 đến tháng 8. Kì thi ryu diễn ra trước khi nộp hồ sơ đại học từ 3 đến 9 tháng, nên nhiều bạn đến khi nộp hồ sơ thi đại hoc mới nhận ra mình chưa thi ryu, dẫn tới lỡ mất thời cơ. Ngoài ra, trong hồ sơ nộp thi cũng có những giấy tờ phải công chứng ở Việt Nam như học bạ, bằng tốt nghiệp (hạn công chứng 3 tháng)...nên các bạn cũng phải tính thời gian để mà chuẩn bị kịp hạn nộp hồ sơ. Thế nên các bạn chú ý nhé!

③ Bạn đã tốt nghiệp Đại học ở Việt Nam, muốn học tiếp lên cao học ở Nhật Bản?

Bạn muốn vào cao học thì hoặc là thi trực tiếp vào, hoặc là thi làm nghiên cứu sinh. Thi làm nghiên cứu sinh sẽ dễ hơn thi thẳng vào. Tuy nhiên dù đi con đường nào thì trước tiên bạn phải tìm được thầy cô hướng dẫn. Bạn có thể vào trang web của trường đại học muốn vào, tìm thông tin, cách liên lạc của thầy cô mình muốn theo học, và liên hệ bằng email hoặc gửi thư cho thầy cô để xin được nghiên cứu. Sau đó bạn sẽ phải viết 1 bản kế hoach nghiên cứu để nộp hồ sơ.

Nếu làm nghiên cứu sinh, bạn cần phải tìm hiểu điều kiện làm nghiên cứu sinh ở trường đại học đó (trình độ tiếng Nhật Bản N1, hoặc TOEIC, TOFLE bao nhiêu...) và chuẩn bị cho mình những bằng cấp cần thiết.

④ Bạn đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, bạn cũng đã có vốn tiếng Nhật Bản kha khá, và muốn đi làm ở Nhật Bản?

Theo luật nếu bạn đã có bằng Đại học ở Việt Nam thì bạn có tư cách xin việc ở Nhật Bản. Có một số bạn làm phiên dịch ở nghiệp đoàn, nhưng nếu bạn muốn thi vào những công ty khác, làm việc như người Nhật Bản thì bạn phải đi xin việc 1 cách nghiêm túc. Mùa xin việc ở Nhật Bản kéo dài cả nửa năm, hoặc hơn. Bắt đầu bằng những buổi giới thiệu công ty, rồi đến những thủ tục entry, làm web test, buổi thi phỏng vấn vòng 1,2,3,có nơi còn đến 5 vòng. Mùa xin việc các năm trước đây là tháng 8, nhưng những năm gần đây trễ dần, và năm 2015 là từ tháng 12. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho nó, bạn cần phải tiến hành phân tích điểm mạnh điểm yếu của mình từ mấy thán trước đó.

Trên đây là những bước đường bạn có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp trường tiếng. Tuy nhiên dù là con đường nào bạn cũng phải chuẩn bị từ trước đó ít nhất nửa năm. Nếu muốn ôn thi, hoặc thi lấy các bằng cấp thì càng phải chuẩn bị từ trước đó rất lâu. Vậy nên các bạn phải sớm quyết định con đường của mình, sớm bắt tay chuẩn bị để đảm bảo 1 kết quả tốt nhất cho bản thân.Chúc các bạn thành công!

Tác giả: Phan Nguyệt Minh

(BCH VYSA Okayama)